Những thay đổi về vai trò của giáo viên

GD&TĐ - Từ tháng 9 năm nay, tại các trường phổ thông Nga xuất hiện các chức danh mới: Giáo viên - nhà giáo pháp học và giáo viên - cố vấn.

Những thay đổi này được dự định trong khuôn khổ của hệ thống cấp chứng chỉ giáo viên mới do Bộ Giáo dục Nga xây dựng. Theo Bộ trưởng giáo dục Sergey Kravtsov, mục đích của những đổi mới này là nhằm nâng cao uy tín, tạo điều kiện cho giáo viên phát triển nghề nghiệp thường xuyên và bảo đảm kết quả dạy học chất lượng cao.

Trong tương lai, người giáo viên trở thành cố vấn của học sinh.

Vai trò mới của giáo viên

Nhu cầu ngày càng tăng về đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ cao khiến cho sự cạnh tranh cả trong lĩnh vực giáo dục hàn lâm lẫn dự án công nghệ giáo dục (EdTech) trở nên hết sức gay gắt trong thời gian gần đây. Lợi thế về việc làm sẽ thuộc về những giáo viên có khả năng nhanh chóng thích ứng với các xu hướng mới.

Nhu cầu mới đối với hệ thống giáo dục, sự thâm nhập sâu rộng của các thiết bị điện tử và Internet vào đời sống thường nhật, sự phổ biến của quan niệm học tập suốt đời và hình thức dạy học kết hợp đang ngày càng phát triển... chỉ là một số yếu tố thay đổi mô hình tương tác truyền thống giữa giáo viên và học sinh. Dưới đây là ba xu hướng chủ yếu làm xuất hiện những vai trò mới của người giáo viên tương lai.

Dạy học trên các nền tảng kỹ thuật số: Giáo viên - người điều phối: Giáo dục kỹ thuật số đáp ứng nhu cầu của học sinh hiện nay. Theo khảo sát của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, các đại diện của thế hệ Z - học sinh trung học phổ thông và sinh viên những năm đầu - cảm thấy thoải mái hơn khi học từ xa.

Mặc dù giáo dục phổ thông cổ điển không thể được thực hiện từ xa 100%, dạy học trực tuyến. Theo UNESCO, giúp giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đến việc tiếp cận giáo dục ở một số khu vực trên thế giới.

Dạy học trực tuyến cho phép học sinh, sinh viên kiểm soát nhiều hơn quá trình dạy học. Phần lớn tài liệu được cung cấp để học sinh tự nghiên cứu, điều này cho phép các em chọn lịch trình và nhịp độ làm việc thuận tiện, cũng như trình tự các chủ đề.

Kết quả là, từ một người quyết định cần phải làm gì vào thời điểm này, giáo viên trở thành điều phối viên có nhiệm vụ đồng hành với quá trình dạy học, theo dõi sự tiến bộ của học sinh và điều chỉnh giáo trình phù hợp với họ.

Tính độc lập trong dạy học trực tuyến trở thành yếu tố quan trọng trong lĩnh vực giáo dục doanh nghiệp, nơi mà xu hướng chuyển sang hình thức dạy học từ xa đã được xác định từ lâu.

Trong một cuộc khảo sát của tập đoàn LinkedIn (Nga), 60% nhân viên thuộc các ngành khác nhau nhận xét rằng đối với họ, cơ hội lựa chọn cá nhân là tiêu chí chủ yếu về sự hấp dẫn của các khóa học trực tuyến.

Dạy học kết hợp: Giáo viên - người cố vấn: Dạy học kết hợp (blending learning) không phải là một cách tiếp cận mới. Ở phương Tây, nó đã được áp dụng từ lâu. Vì trong mô hình dạy học kết hợp, học sinh cũng tự tìm hiểu tài liệu, nên giáo viên cần tập trung nghiên cứu sâu hơn chủ đề để có thể truyền tải cho tất cả học sinh.

Ở đây, phương pháp tiếp cận cá nhân, có tính đến các đặc điểm của từng học sinh, được đặt lên hàng đầu. Giáo viên đóng vai người cố vấn có năng lực mà nhiệm vụ chính là tìm hiểu nhu cầu và đặc điểm của học sinh để cung cấp cho họ một lộ trình cá nhân trong việc tìm hiểu tài liệu dạy học.

Tập trung vào kỹ năng thực hành: Giáo viên - nhà thực hành: Trong 20 năm qua, cộng đồng giáo dục tranh luận về việc xây dựng các chương trình dạy học dựa trên cơ sở phát triển năng lực. Ưu tiên của các tổ chức quốc tế là đưa giáo dục gần với nhu cầu cấp thiết của thị trường.

Ví dụ, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã phát triển chương trình “Giáo dục 4.0” với mục tiêu áp dụng dạy học theo định hướng thực hành ngay từ giai đoạn THCS. Điều này cũng đáp ứng nhu cầu của học sinh hiện nay - học sinh phổ thông muốn có được những kỹ năng để có thể áp dụng trong cuộc sống thực tế.

Tất nhiên, trong dạy học định hướng thực hành, vai trò của giáo viên thay đổi. Chính người thầy trở thành cán bộ thực hành. Họ là các chuyên gia đến từ doanh nghiệp và cung cấp cho sinh viên các kinh nghiệm thực tế.

Thông thường, việc giảng dạy đối với một người như vậy không phải là nghề nghiệp chính. Giáo viên thực hành là những người làm việc tại cơ sở sản xuất, trong các công ty, “trực tiếp ở hiện trường”.

Các chương trình môn học, phiếu thi, báo cáo đối với họ là một “khu rừng”. Họ đến để chia sẻ kinh nghiệm của mình và thậm chí không biết kê khai một số giấy tờ khác nhau. Kiểu giáo viên này, nếu có thể, nên được giải phóng khỏi công việc giáo pháp và sự vụ giấy tờ.

Nhu cầu về giáo viên giỏi kỹ thuật số càng ngày càng tăng.

 

Những yêu cầu đối với giáo viên tương lai

Vai trò mới được hiểu ngầm là sự thay đổi kỹ năng. Giáo viên và giảng viên tương lai phải nắm vững những năng lực mới.

Thứ nhất, trình độ kỹ thuật số: Theo một khảo sát chung của nền tảng “Uchi.ru” và Vinci Agency, trong thế giới hậu Covid-19, nhu cầu về giáo viên am hiểu về các nguyên tắc dạy học trực tuyến, cũng như thích ứng với thế giới kỹ thuật số ngày càng gia tăng.

Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Tài chính quốc gia Nga (NAFI), hiện nay chỉ số thái độ của giáo viên đối với đổi mới công nghệ là 76/100. Chỉ số này xác định kiến thức về các xu hướng công nghệ hiện đại, kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ và phần mềm ứng dụng hiện đại.v.v.

Thứ hai, kỹ năng phân tích: Dạy học định hướng thực hành, dạy học kết hợp và dạy học linh hoạt đòi hỏi phải cập nhật liên tục nội dung, phương pháp và công nghệ. Giáo viên và giảng viên phải độc lập phân tích thông tin, lựa chọn những dữ liệu phù hợp nhất, thay vì dựa vào tài liệu giáo học pháp và sách giáo khoa có sẵn.

Thứ ba, kỹ năng học tập: Nhiều kỹ năng trong thế giới đương đại đang nhanh chóng trở nên lỗi thời, và điều này liên quan trực tiếp tới đội ngũ giáo viên. Vì vậy khả năng học tập thường xuyên (và thường là tự học) sẽ trở thành một trong những yêu cầu chính đối với đội ngũ giáo viên hiện nay.

Thứ tư, trí tuệ cảm xúc: Trí tuệ cảm xúc cho phép bạn giao tiếp với con người trong mọi hoàn cảnh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người giáo viên tương lai, vì càng ngày họ càng tiếp xúc nhiều với học sinh, tổ chức làm việc nhóm hiệu quả hoặc tiếp cận riêng với từng học trò.

Thứ năm, kỹ năng tổ chức và tư duy thiết kế: Các phương pháp dạy học hiện đại như dạy học kết hợp dựa trên mô hình, day học theo yêu cầu trong giáo dục đại học và giáo dục doanh nghiệp... đòi hỏi người giáo viên phải có kỹ năng tổ chức.

Tư duy thiết kế cũng rất quan trọng vì càng ngày con người càng chú trọng các kiến thức liên ngành và phương pháp nghiên cứu. Trên thực tế, hoạt động dạy học tự nó trở thành một hoạt động thiết kế.

Nó hướng tới một kết quả thực tế dưới hình thức nắm vững kiến thức mà học sinh có thể áp dụng vào thực tế, thay vì những tiết học trừu tượng hoặc những kế hoạch được thực hiện.

Theo trends.rbc.ru